0985755950

GIAO HÀNG HOẢ TỐC 2H NỘI THÀNH HCM

[Tư vấn] Chỉ số SPF của kem chống nắng – Càng cao càng tốt?

– Những ngày này khi bắt đầu tìm hiểu về Chỉ số SPF của kem chống nắng để lựa chọn một sản phẩm phù hợp cho mình, bạn bỗng bắt gặp mình bối rối trước các thông số được ghi như “mật mã” trên vỏ sản phẩm. – Đầu tiên là chỉ số SPF với nhiều giá trị khác nhau, từ thấp như 15, 20 tới cao và rất cao (50, 70 thậm chí 90). Chúng khác nhau như thế nào? Đại đa số phụ nữ trên thế giới tin rằng SPF càng cao thì khả năng chống nắng càng tốt, nhưng có thực sự như vậy không? Chaly sẽ giúp bạn trả lời điều đó và đưa ra cho bạn các tips để chọn kem chống nắng phù hợp và kinh tế nhất.

Hiểu về chỉ số chống nắng SPF & PA của kem chống nắng

– Trước khi tìm hiểu về Chỉ số SPF của kem chống nắng, chúng ta cần biết trong ánh nắng mặt trời tồn tại 2 loại tia cực tím (tia UV): UVA và UVB. UVB là nguyên nhân chính gây ra các tác hại tức thời của ánh nắng mặt trời lên da như đen da, dị ứng mụn/nhiệt, mẩn đỏ da, bong da, trong khi UVA “âm thầm” thúc đẩy sự huỷ hoại từ từ làn da và gây ra các tác hại lâu dài không thể vãn hồi như lão hoá da, sạm nám và nguy hiểm nhất là ung thư da!

– SPF (sun protection factor) là chỉ số phổ biến nhất mà mọi người biết về kem chống nắng. Nhưng thật ra SPF mới chỉ thể hiện khả năng của sản phẩm chống lại tia cực tím UVB mà thôi:

1. Nói một cách đơn giản, SPF đo khoảng thời gian mà việc tia cực tím UVB bắt đầu gây ảnh hưởng lên da bị trì hoãn lại DO VIỆC SỬ DỤNG KEM CHỐNG NẮNG. Thông thường 1 độ SPF có khả năng chống phơi nắng từ 10-15 phút, do đó nếu được bôi đúng cách, kem chống nắng SPF30 đã có khả năng chống phơi nắng lên tới ít nhất là 5 tiếng đồng hồ! (Quá lâu, quá đã luôn rồi ấy nhỉ)

2. Ngoài công năng trên, chỉ số SPF cũng thể hiện phần trăm tia UVB trong ánh nắng được “lọc” bớt và ngăn chặn bởi sản phẩm. SPF càng cao thì số % này càng lớn, nhưng câu chuyện không đơn giản như thế. Hãy cùng nhìn số liệu dưới đây

+ SPF2 lọc được 50% UVB

+ SPF15 lọc được 93% UVB

+ SPF30 lọc được 97% UVB

+ SPF50 lọc được 98% UVB

+ SPF70 lọc được 98.6% UVB

+ SPF90 lọc được 98.9% UVB

– Có thể thấy kem chống nắng từ SPF30 trở lên đã có khả năng lọc gần hết UVB trong ánh nắng, và từ đó dù độ SPF có tăng lên rất nhiều thì khả năng lọc UVB cũng không tăng được là bao nhiêu.

– Một điều quan trọng cần ghi nhớ là SPF dù cao tới bao nhiêu thì cũng không bao giờ lọc được hoàn toàn 100% tia cực tím cả! Do đó phó thác việc chống nắng cho một sản phẩm SPF cao chắc chắn không phải là cách hiệu quả nhất

– PA (Protection Grade of UVA) là khái niệm được đưa ra bởi người Nhật, thể hiện khả năng của sản phẩm bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UVA trong môi trường:

+ UVA có các giá trị từ + (một cộng) tới ++++ (bốn cộng), trong đó UVA càng cao thì khả năng “lọc” tia UVA càng tốt.

+ Thông thường, PA+++ (ba cộng) là giá trị PA cao nhất thường thấy trong các sản phẩm chống nắng bán trên thị trường

+ Tuy nhiên gần đây cũng xuất hiện một số ít loại kem chống nắng nội địa cao cấp với chỉ số PA lên tới 4 cộng

Tác hại của UVA và UVB trong ánh nắng mặt trời

Tác hại của UVA và UVB trong ánh nắng mặt trời

Chỉ số SPF của kem chống nắng – Nên lựa chọn bao nhiêu là phù hợp?

– Nếu đọc kĩ các giải thích về chỉ số SPF ở trên, bạn sẽ hiểu tại sao các nhà khoa học lại khuyên chúng ta chỉ lựa chọn sản phẩm có SPF tối thiểu là 30 và tối đa là 50 (mà không cần cao hơn). SPF cao hơn nữa là một sự tiêu pha lãng phí không cần thiết vì hiệu quả mang lại cũng không thật sự khác biệt.
– Vậy trong khoảng SPF từ 30-50 thì chúng ta nên lựa chọn như thế nào?
– Thực tế với thời gian chống tác hại khi phơi nắng lên tới 300 phút, kem chống nắng SPF30+ là quá đủ cho yêu cầu chống nắng hàng ngày.
– SPF50+ là một khoản chi thực ra không cần thiết. Tuy nhiên, hãy cùng cân nhắc “lợi” và “hại” của việc sử dụng kem chống nắng SPF50+ để có cái nhìn toàn diện hơn:

Lợi của kem chống nắng có chỉ số SPF cao

+ Khả năng chống nắng 1 độ SPF = 10 phút phơi nắng được đo đạc dựa trên mức độ phủ kem chống nắng là 2 mg kem chống nắng trên mỗi cm2 da.
+ Trong thực tế, do thoa nhanh hoặc không biết cách thoa kem đúng cách mà phụ nữ thường chỉ phủ từ 0.5-1 mg kem chống nắng trên mỗi cm2 da, thậm chí phủ kem không đều, chỗ có chỗ không, dẫn tới hiệu quả chống UVB đạt được chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với hiệu quả chống nắng ghi trên nhãn sản phẩm. Trong trường hợp này, sử dụng kem chống nắng SPF50+ sẽ đỡ lại được phần nào “mất mát” đó

Hại của kem chống nắng có chỉ số SPF cao

+ Kem chống nắng có độ SPF cao dễ làm người dùng chủ quan, nghĩ rằng chống nắng như vậy là hoàn hảo rồi, dẫn tới coi nhẹ các biện pháp chống nắng kết hợp khác.
+ Thực tế dù độ SPF có cao tới đâu cũng không bao giờ lọc được 100% UVB trong nắng mặt trời (Mức độ lọc cao nhất là xấp xỉ 99% mà thôi), do đó dù bạn có sử dụng loại kem chống nắng tốt nhất đi chăng nữa thì việc kết hợp các phương án tránh nắng khác như “sử dụng áo chống nắng”, “trốn vào bóng râm mọi lúc có thể” vẫn rất quan trọng.
+ Đồng thời, lưu ý rằng chỉ số SPF không phải là tất cả. Đừng bao giờ quên tia UVA cũng âm thầm gây hại cho làn da của bạn. Một sản phẩm mà độ SPF tới 90+ nhưng có độ PA thấp cũng không bằng một sản phẩm chống nắng có đồng đều cả 2 chỉ số SPF và PA ở mức tốt
+ Sản phẩm có SPF càng cao càng gây “áp lực” lên làn da của bạn nhiều hơn, và điều này là nên tránh nếu không thực sự cần thiết. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng SPF50+ nếu bạn có thời gian phơi nắng cực lâu (chơi thể thao ngoài trời, phơi nắng trên biển..) hoặc bạn sống ở vùng gần xích đạo.
– Ngoài các trường hợp trên, SPF30+ ~ kết hợp với chỉ số PA tốt và thoa kem chống nắng đúng cách giúp phát huy hết tác dụng của kem mới là sự lựa chọn thông minh và kinh tế nhất

Các tips lựa chọn chỉ số SPF và sử dụng kem chống nắng hàng ngày

– Bắt buộc lựa chọn sản phẩm chống nắng có đủ khả năng chống cả UVA và UVB (nghĩa là có cả 2 chỉ số SPF và PA).

– Để phục vụ sinh hoạt hàng ngày, nên lựa chọn sản phẩm có SPF30+ trở lên, và PA+++. Trừ phi bạn phơi nắng rất lâu (chơi thể thao ngoài trời, phơi nắng trên biển..) hoặc bạn sống ở vùng cận xích đạo, SPF50+ là lãng phí và không thực sự cần thiết

– Lưu ý thoa kem đúng cách để phát huy đủ tác dụng của kem:

+ Thoa kem đều khắp, không bỏ sót

+ Thoa dầy vừa đủ, không thoa quá mỏng (lí tưởng là 2mg kem/1cm2 da)

+ Không dùng lòng bàn tay miết miết kem trên mặt, mà vỗ nhẹ vào da mặt theo chiều vuông góc để kem thẩm thấu từ từ và sâu vào trong da. Cách thoa này sẽ giúp kem bám lâu và khó trôi hơn

+ Nên thoa lại kem sau mỗi 3 tiếng đồng hồ nếu bạn ra nhiều mồ hôi, ngâm mình dưới nước (dù kem chống nắng bạn dùng là hàng water proof vì không có sản phẩm nào chống trôi 100% cả)

Hi vọng qua bài này các bạn gái đã lượm được những kiến thức chống nắng bổ ích nhé. Nhớ rằng không nhất thiết phải SPF50+ mới bảo vệ tốt làn da của bạn đâu. Chỉ số PA tốt, cách thoa kem đúng, cùng các biện pháp bảo vệ da kết hợp có thể đem lại tác dụng nhiều hơn là thêm 20 độ SPF nữa cơ đó.

Để lại một bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *